(E) Mail thường lại, người không thấy lại... Hoa dương tàn, đã trãi rêu xanh... .Rêu xanh mấy lớp chung quanh... .Sân đi một bước trăm tình ngẩn ngơ...

Wednesday, March 28, 2007

Không có Nhạc thì chết cho rồi -Oanh Canada

Anh Co va anh Dat than men,

Cam o+n anh Co+ goi bai cua anh Dat.
Cam o+n anh Dat viet bai rat hay ve nhac va nhat la cho toi nho+ lai bai A summer Place.

Hom nay toi duoc o+ nha nen viet bai nay goi hai anh, khg viet thi khg lam viec khac duoc va co khi cung... chet lien!

Than men,


Và nếu không có nhạc
Nguyễn Thị Oanh

Sáng nay được anh Cơ gởi bài Những Bài Tình Ca Vấn Vương Một Thời của Lê Tất Đạt, tôi đọc phát chóng mặt luôn... Làm sao anh Đạt yêu và nhớ “nhạc” nhiều đến như thế? Làm sao bao nhiêu bài hát như vậy có đủ chỗ đứng trong tâm hồn? Tôi sinh năm Con Heo Vàng, vào đầu những năm 60 gia đình tôi có tủ lạnh hiệu Martini và máy nghe nhạc Grundig, đó là một hạnh phúc vô bờ. Cha tôi mua tủ máy Grundig cốt chỉ để nghe đài BBC, ông mua cho tôi vài đĩa nhạc 33 tours, tôi nhớ có đĩa Dòng Sông Danube và một vài đĩa hát gì nữa tôi quên.

Tôi có người cậu ruột ở Đà Lạt nên năm nào tôi cũng được đi nghỉ hè ở Đàlạt. Gia đình cậu tôi cũng có máy nghe đĩa, các chị con cậu học trường Tây nên nghe nhạc Tây. Vào thời đó tôi mê Dalida – đến bây giờ vẫn còn thích – chúng tôi có gần như toàn bộ đĩa của Dalida. Đĩa nào mới ra là chúng tôi mua ngay, nghe đến thuộc lòng mà vẫn chưa có đĩa nào mới phát hành thêm. Nhớ lại thời buổi này tôi mới hiểu và quý cái gọi là “khan hiếm” và “trông chờ.” Tuổi trẻ bây giờ không có được hai thứ xa xỉ này. Chúng tôi nghe đến thuộc từng đoạn của bài hát, nhai đến thuộc từng đoạn của quyển sách hay. Những gì được nhai kỹ, nó ở lại trong tâm hồn mãi. Tôi còn nhớ rạp chiếu bóng Hòa Bình Đà Lạt phát thanh bài La Rivière du Pont Kwai hàng mấy tháng trời, chúng tôi cầu mong có phim mới để xem, có bản nhạc khác để nghe nhưng dài cổ chờ vô ích thôi. Bản nhạc đó trở thành bản nhạc hiệu của chúng tôi. Đi co ro trong tiết lạnh, chúng tôi huýt sáo bài Le Pont... thuộc hồi nào không hay.

Tôi học đàn dương cầm ở trường Jeanne d’Arc Huế, nghe lóm các chị Thanh Túy, Thanh Lô con bác sĩ Quyến đờn khúc crescendo bài Clair de Lune của Beethoven đến thuộc lòng. Bài đó khó nên tuần nào đi học, các chị cũng tập lui tập tới làm tôi cũng thuộc lòng luôn. Sau này vào Sàigòn học, lập gia đình, có con, thăm nuôi chồng đi học tập tôi không có những giây phút đắm mình vào nhạc như hồi còn nhỏ.

Qua Montréal, lại cũng lo học, lo sinh kế, nhạc cũng chưa ở trong lòng tôi bao nhiêu. Phải kể đến lúc lo xong mọi chuyện tôi mới trở lại với nhạc. Tôi ghi tên học các lớp hướng dẫn nghe nhạc cổ điển, cốt cũng để khi đi nghe nhạc biết cách cấu trúc dàn nhạc giao hưởng, biết các tác phẩm lớn, biết một chút lịch sử âm nhạc. Dù có dàn máy tối tân - hi-fidelity – như thế nào thì cũng không thể nào hay và xúc cảm bằng thấy người nghệ sĩ biểu diễn trước mặt mình.

Tôi mua vé mùa Dàn Nhạc Giao Hưởng Thành Phố Montréal - vì thưởng thức nhạc cũng cần vun trồng – culture – nếu chờ hứng, chờ có nghệ sĩ nào hay đến biểu diễn, bài nào hay trong chương trình thì chắc hứng sẽ không tới, hoặc hứng tới thì hôm đó bận bão tuyết! Phải mua vé mùa để buộc mình vào kỷ luật và đã có những hôm bão tuyết, ghì tay lái một mình trên đường trơn trợt, tôi mới thấy thấm thía giá trị của âm nhạc quan trọng đến mức như thế nào cho tâm hồn tôi.

Có một điều không giải thích được là mỗi lần buồn, mỗi buổi sáng uể oải khi đi làm, vừa bước vào xe, nghe một điệu nhạc hay từ đài phát thanh, tôi như được tái sinh, yêu đời trở lại, hăng hái đi làm. Nhạc lúc đó là vị cứu tinh của tôi. Lạ một chuyện là khi còn ở Việt Nam tôi lê thê thảm thiết với các bài nhạc Việt Nam nhưng bước chân qua Montréal, tôi quay lưng cái rụp với nhạc Việt Nam làm như tôi sợ không dám nhìn lại một phần tâm hồn của mình. Sợ! Vì tôi không còn ở trong giai đoạn thơ mộng tay trong tay đi dưới cơn mưa!

Tôi thích Juliette Gréco, Charles Azvanour, Monique Leyrac, Petula Clark, Claude Gauthier, Jacques Brel... còn nhiều nữa. Ui chao, nghe Brel hát bài J’Arrive, tôi cứ chảy nước mắt hoài : Tôi thích nghe vần r của tiếng Pháp, người nghệ sĩ uốn cái lưỡi một chút - hoặc nhiều - để phát âm vần r. Trong chữ J’arrive có hai chữ r, ca sĩ Brel hát cứ như kéo dài ra : Tôi sẽ đến, có gì đâu mà cứ dục! Tôi đến bây giờ... Nhưng tại sao phải là tôi, tại sao bây giờ... Tại sao đến giờ rồi Và đi đâu bây giờ Đương nhiên, tôi sẽ đến Và suốt cuộc đời tôi, tôi có làm gì đâu Ngoài một việc đương nhiên Là tôi sẽ đến........................... chỗ chết!

J'arrive

De chrysanthèmes en chrysanthèmes -- Nos amitiés sont en partance --- De chrysanthèmes en chrysanthèmes - La mort potence nos dulcinées -- De chrysanthèmes en chrysanthèmes --Les autres fleurs font ce qu'elles peuvent -- De chrysanthèmes en chrysanthèmes -- Les hommes pleurent les femmes pleuvent ---

Mais pourquoi moi pourquoi maintenant ---- Pourquoi déjà et où aller -- J'arrive bien sur, j'arrive --- N'ai-je jamais rien fait d'autre qu'arriver...

Năm vừa qua tôi có dịp đi nghe các nghệ sĩ Charles Azvanour, Juliette Gréco, Nana Mouskouri, Petuta Clark đến Montréal trình diễn. Gréco và Azvanour trên 80, Mouskouri và Clark trên 70, ngồi nghe họ hát tôi cứ khóc hoài. Sao đời họ sướng thế – lại có chút ghen – được sống với đam mê của mình suốt đời. Gréco, sao bà cao sang đến thế! Azvanour, sao được khán giả thương đến thế, không mua vé sớm là hết chỗ! Mouskouri, sao giản dị đến thế! Và Clark, sao độ lượng đến thế : để đáp trả tấm thịnh tình của khán giả, bà sáng tác các bài bis đặc biệt hát từ giã khán giả, nghe mà lòng bùi ngùi vì biết bà trân trọng mình, biết mình đang luyến tiếc những giây phút ngắn ngủi nghe bà hát, bà muốn trả lại cho mình chút gì đây.

Đọc bài của anh Lê Tất Đạt, tôi tìm được tựa một bài hát mà tôi thích từ lâu – A Summer Place của Max Steiner - vì tôi chỉ nhớ tựa bằng tiếng Tây Ils n’ont que vingt ans nên tìm không ra bài nhạc này. Bài hát đã đi sâu vào tâm hồn tôi.

Tôi có một thói quen là khi ngồi trước bàn viết, tôi chỉ nghe một bài nhạc – chắc do âm hưởng của thời khan hiếm ngày xưa – các bài tôi nghe hoài không chán là : L’amitié của Gérard Bourgeois do F. Hardy hát; La tête en fleurs của Claude Gauthier, Downtown của Tony Hatch do Petula Clark; This is my Song của C. Chaplin do Petula Clark hát; La Paloma, Gigi l’Amoroso do Dalida hát... Tôi còn quên một cặp bài trùng : Charles Aznavour và Liza Minelli : The sound of your name.

Để cám ơn anh Lê Tất Đạt viết một bài rất dài về những bài tình ca đã từng vướng vấn và còn vương vấn, tôi viết mấy hàng này gởi anh Cơ và anh Đạt, những người có tấm lòng với bạn bè.

Tôi có thể trích ra rất nhiều câu nói của danh nhân về giá trị, về ảnh hưởng, về chỗ đứng của âm nhạc trong lòng người nhưng với tôi, âm nhạc là một cái gì quá thiết yếu – không có nó chết liền – nên trích dẫn những câu nói đó cũng bằng thừa.

Vì sống và chết với nhạc, tôi xin chấm dứt bài viết với lời bài hát Et si tu n'existais pas của Pierre Delanoe do Joe Dassin hát mà tôi nghĩ trại ra: Và nếu không có... nhạc Nói cho tôi biết tại sao tôi phải sống Để kéo lê trong một thế giới không có nhạc Không hy vọng và cũng không hối tiếc.

Et si tu n'existais pas ----- Dis-moi pourquoi j'existerais ------- Pour trainer dans un monde sans toi -------- Sans espoir et sans regret

Và nếu không có nhạc thì cho tôi chết cho rồi!

Montréal 27-3-2007

No comments: