(E) Mail thường lại, người không thấy lại... Hoa dương tàn, đã trãi rêu xanh... .Rêu xanh mấy lớp chung quanh... .Sân đi một bước trăm tình ngẩn ngơ...

Sunday, February 3, 2008

Một cách dịch sát hơn...Nguyễn Ðạt Thịnh

Trong một bản tin của cơ quan thông tấn công giáo VietCatholic, ông Nguyễn Long Thao dịch câu chót lá thư của đức Hồng Y Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt như sau, “Tôi xin đoan chắc với Đức Cha rằng, về phần mình, Tòa Thánh, như vẫn làm từ trước tới nay, sẽ luôn truyền đạt những khát vọng chính đáng của người công giáo Việt Nam lên Chính Phủ của nước Ngài."
đức Hồng Y Bertone

Nguyên bản bức thư viết bằng tiếng Pháp như sau, “Je puis vous assurer que le Saint-Siège, pour sa part, comme il l'a toujours fait, ne manquera pas de se faire auprès du Gouvernement de votre pays l'interprète des légitimes aspirations des catholiques vietnamiens.”

Ông Thao dịch rất thoát, nhưng tôi e là chưa sát, và còn để mất một nét quan trọng trong câu này. Một cách dịch sát hơn, “Tôi xin đoan chắc với Đức Cha rằng, về phần mình, Tòa Thánh, như vẫn làm từ trước tới nay, là sẽ không thiếu sót đóng vai trò người thông dịch những khát vọng chính đáng của người công giáo Việt Nam bên cạnh Chính Phủ của nước Ngài."

Tôi không chủ trương việc dịch từng chữ, lối dịch có thể làm tối câu văn và làm mất ý nghĩa nguyên thủy, nhưng trong câu này không thể làm mất chữ “l’interprète” (người thông dịch). Chữ này chuyên chở nhiều châm biếm và nhiều bí hiểm người viết không chủ ý nêu lên, nhưng người đọc không thể không nhận ra.

Một trong nhiều châm biếm là câu hỏi “tại sao lại cần một người Ý thông dịch chính phủ Việt Cộng mới hiểu những khát vọng chính đáng của người công giáo Việt Nam?” Trả lời câu hỏi này có thể giúp tìm ra một vài chân lý, một trong những chân lý đó là sức mạnh: Việt Cộng chỉ hiểu ngôn ngữ của sức mạnh. Sức mạnh của Tòa Thánh dĩ nhiên là sức mạnh tinh thần, sức mạnh công luận. Chính sức mạnh này đã khiến chúng chùn tay, không đàn áp cuộc cầu nguyện của giáo dân biểu tình đòi quyền sở hữu.

Sức mạnh của tòa thánh còn giải thích việc chúng đàn áp Phật Giáo, đàn áp sinh viên và dân oan, những người cũng đang đòi quyền sở hữu nhưng không có sự yểm trợ của sức mạnh công luận mà giáo dân Việt Nam có.
Một trong nhiều bí hiểm là câu hỏi, “Việc Tòa Thánh can thiệp yêu cầu giáo dân ngưng cầu nguyện có lợi cho Việt Cộng không?”

Lập trường của Việt Cộng vẫn là “không trả quyền sở hữu, chỉ cho hay cấp quyền sử dụng”. Trong trường hợp này Việt Cộng chỉ tước quyền sử dụng của chủ tiệm phở và chủ bãi giữ xe gắn máy, không cho họ làm ăn trong tòa Khâm Sứ nữa, và cấp quyền sử dụng bất động sản này cho giáo dân.
Cuộc tranh chấp quyền sở hữu tòa Khâm Sứ Hà Nội là tranh chấp nguyên tắc, vì quyền sở hữu phủ nhận thuyết vô sản. Cuộc tranh chấp nguyên tắc lớn lao này bị lá thư Bertone thu nhỏ vào diện tích của tòa Khâm Sứ, và bị vô hiệu hoá bằng một văn thư Việt Cộng ký cấp cho giáo dân quyền sử dụng một “mặt bằng” rộng vài ngàn thước vuông.

Bí hiểm thứ nhì là câu hỏi, “Nguyễn Tấn Dũng đóng vai trò gì trong lá thư của Tòa Thánh? Hắn có đem ngải nói ra thuyết phục Giáo Hoàng là “… nếu cứ tiếp tục tục hội họp cầu nguyện như vậy có thể chỉ gây thêm lo âu, vì, như thường thấy trong các trường hợp tương tự, việc không kiểm soát được tình hình và biến những buổi tụ họp ấy thành bạo động trong lời nói cũng như hành động là một nguy cơ thực sự.”

Dũng đem vụ công an đánh đàn bà hôm 25 tháng Giêng ra dẫn chứng cái “nguy cơ thực sự” này chăng?

Dũng đã xin Toà Thánh để hắn “trị” Linh mục Nguyễn Văn Lý, giờ này có phải cũng hắn khiến đức Hồng Y Bertone viết, “… nhân danh Đức Thánh Cha, người thường xuyên được báo cáo về những diễn biến đang xẩy ra, tôi xin Đức Cha vui lòng can thiệp, để tránh những hành động có thể gây mất trật tự chung và giúp tình hình trở lại bình thường. Nhờ đó, trong bầu khí lắng dịu hơn, việc đối thoại với các cấp Chính Quyền sẽ được nối lại, để tìm ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề tế nhị này.”

Nhà nghiên cứu Trần viết Ðại Hưng vừa phổ biến bài “Kỹ thuật gỡ ngòi nổ biểu tình”, một kỹ thuật Việt Cộng đã áp dụng để hoá giải cuộc biểu tình của giáo dân Nha Trang nhiều năm trước, qua lời kể lại của Linh mục Lưu Minh Hoàng.

Xin đề nghị ông Ðại Hưng gặp Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt nghe Ngài kể thêm một kỹ thuật mới toanh để gỡ ngòi nổ của cuộc biểu tình tại tòa Khâm Sứ Hà Nội qua hình thức vô cùng bất bạo động là cầu nguyện.

Và xin bạn đọc tìm thêm nhiều bí hiểm khác, nhiều châm biếm khác nữa quanh chữ Tây “l’interprète”, vai trò thông dịch viên của Tòa Thánh trong cuộc thảo luận giữa những người Việt Nam nói cùng một ngôn ngữ.

Nguyễn Ðạt Thịnh

No comments: