(E) Mail thường lại, người không thấy lại... Hoa dương tàn, đã trãi rêu xanh... .Rêu xanh mấy lớp chung quanh... .Sân đi một bước trăm tình ngẩn ngơ...

Friday, February 9, 2007

Les dimanches de ville d' Avray

Cơ thân,
Tựa đề bài viết của bạn Les Dimanches de Ville d’Houston làm mình liên tưởng ngay đến phim Les Dimanches de Ville d’Avray
. Cuốn phim này nửa thập niên đầu sáu mươi đã làm xôn xao khán giả trẻ khắp thế giới. Hình ảnh cô bé Cybel, anh chàng phi công trẻ tuổi mất trí và con gà trống bằng kim loại trên tháp cao một giáo đường bỗng chập chùng trở về.

Cô bé trong vai Cybel là Patricia Gozzi, 12 tuổi, bị bố ruồng bỏ đưa vào một cô nhi viện. Chàng thanh niên tên Pierre (Hardy Kruger) là một cựu phi công Pháp trên chiến trường Việt Nam, anh bị mất trí vì bị ám ảnh tội lỗi đã giết chết một em bé gái Việt Nam khi phi cơ của anh bị rơi đụng phải. Do sự liên tưởng đến nạn nhân thơ ngây vô tội của minh anh tìm cách kết thân với Cybel khi anh tình cờ nhìn ánh mắt cô thảm đạm bị bố mình ruồng rẫy . Từ ngày đó chàng giả vờ biến thành bố cô bé và lãnh cô ra khỏi cô nhi viện mỗi ngày chúa Nhật. Họ hồn nhiên nô đùa trên một thị trấn nhỏ tên Ville d’Avray ở ngoại ô Paris, quấn quýt thân tình. Họ là hai kẻ cô đơn cần có nhau để nương tựa. Cô bé cần tình thương cha con. Chàng cần nét hồn nhiên trong sáng để xoa dịu nhhững dày vò, ăn năn, hối hận chợt đến chợt đi trước cái chết thê thảm của em bé Việt.


Chàng có nhân tình, người nữ y tá chăm sóc chàng, nhưng chàng vẫn quắt quay, hụt hẫn, chới với, hoảng hốt với những cảnh tượng hải hùng của chiến tranh chợt hiện chợt mất, người yêu của chàng chỉ biết kiên nhẫn, âm thầm chịu đựng mà không làm gì được trước tâm thần bất ổn của chàng. Trong lúc đó, một vị Bác sĩ, vì mê say cô y tá đã đặt để sự liên hệ giữa Pierre và Cybel có dính líu đến dục tính để mong gạt bỏ chàng ra khỏi tâm trí người mình đeo đưổi và ông đã làm một báo cáo gưi đến cảnh sát nói lên sự nguy hiểm của chàng.

Giáng Sinh năm đó Pierre không có gì làm quà cho cô bé nên anh đã trèo lên đĩnh ngọn tháp cao gần 100 mét của một giáo đường để gỡ con gà trống bằng kim loại như một món quà đặc biệt bất ngờ vì trước đó cô đã thách thức đùa chàng. Trong một nhà vòm trống trải, giữa một công viên vắng lặng phủ đầy tuyết trắng, Cybel thiếp đi khi ngồi chờ chàng xuất hiện để cùng đón Giáng sinh. Pierre sau khi vất vã mang được con gà trống xuống, trên đường tìm đến công viên thì bị cảnh sát bủa vây. Khi chàng sắp tiến đến nàng thì có tiếng súng nổ, cảnh sát viện lý do bảo vệ Cybel đã bắn chàng ngã gục trước đôi mắt bàng hoàng của nàng. Mình vẫn còn thấy được nỗi kinh hoàng, thảng thốt trong ánh mắt Cybel, trước nổi đớn đau cực cùng nhìn người cha mình, người bạn mình, người thân yêu cuối cùng đời mình nằm bất động trên nền tuyết trắng buốt lạnh, âm thầm, lặng lẽ. Ngồi bên cạnh mình, Nguyễn Văn Thử, lớp C2 đã khóc. Chắc Cơ còn nhớ Thử, nhà Thử chung hàng rào với nhà người đẹp lừng danh đầu thập niên sáu mươi, Đặng Thị Hẹ, người đẹp này thì hẳn nhiên bạn không quên được vì là đông lực thúc đẩy bạn theo học mấy lớp hè do thầy Trực phụ trách, đúng không?".

Nhắc đến Nguyễn Văn Thử, người bạn quá cố này là một con người tài danh trên lãnh vực nghệ thuật, vẽ xuất thần, hát đầm ấm. Tiếng hát mà bác thân sinh Trần Văn Nghĩa gọi là giọng ca Tino Rossi. Còn Trần Văn Nghĩa? Trước ngày Nghĩa mất vài hôm mình có phone về nói chuyện với Nghĩa. Tôi nghiệp lúc con người gần chung cuộc mới thấy ý chí ham sống thật mãnh liệt, lúc nói chuyện với mình Nghĩa yêu cầu mình cầu nguyện cho Nghĩa, Nghĩa vẫn tin sẽ qua được vì mấy hôm nay ăn thấy ngon. Mình chơi thân với Thử và Nghĩa từ đệ Thất. Lúc ra đời mình vẫn giữ giao du thân tình với một số bạn học trong đó có Cơ, Nghĩa, Thử, Trực, Ngự, Hân là những kẻ mình gặp thường xuyên ở Sagon, ngoài ra mình còn giữ liên lạc đến ngày ra đi trong đó có Phùng, Hiền, Cư, Toàn, Hoà. Sau mấy chục năm, với những tăng trầm theo mệnh nước đổi thay, mình mất đi hai trong những người bạn thân nhất. Nhìn lại, mình còn may mắn ngồi đây ngày ngày trao đổi thư tín với phần lớn những người bạn thuở còn học trò nay rãi rác khắp năm châu bốn biển.

Lê Tất Đạt





No comments: