Nỗi khổ tâm của bà Lê Anh - (Nguyễn Ðạt Thịnh)
Bà Lê Anh bị trục xuất trở về Việt Nam; bà dấu mọi người việc này, chính cụ thân mẫu của bà cũng không biết.
Bà coi việc bà làm khiến chính quyền Hoa Kỳ phải đi đến quyết định trục xuất bà ra khỏi Hoa Kỳ là điều điếm nhục, do đó bà dấu mọi người? Hay bà không muốn cụ thân mẫu lo buồn về số phận của bà ngày bà bị đưa về Việt Nam?
Dù những nguyên nhân đó đúng hay sai thì giờ này, sau nhiều năm giữ kín điều lo buồn cho riêng mình, bà không còn dấu được nữa, vì Hoa Kỳ và Hà Nội đã công bố thỏa ước trục xuất nhiều người Việt Nam trở về nguyên quán, trong số những người này có bà.
Bà Anh đến Hoa Kỳ định cư năm 2000; hai năm sau bà bị bắt về tội ăn cắp soda và sandwiche tại một tiệm buôn Houston. Bà khai là con bà đói và bà không có tiền mua đồ ăn cho con. Nhưng năm 2005 bà lại bị bắt vì ăn trộm hai cái bốp và một cái mũ. Lần này bà bị 2 ngày tù giam trong khám đường quận Harris.
Dĩ nhiên tội trạng của bà rất nhỏ, nhưng chính quyền Hoa Kỳ vẫn quyết định trục xuất bà; và theo tinh thần thỏa ước vừa loan báo ngày 22 tháng Giêng, Hà Nội sẵn sàng nhận bà trở về Việt Nam.
Bà Anh chống án; vừa khóc, bà vừa nói với phóng viên truyền thông, “Tôi không thể nào lìa bỏ gia đình tôi.Chồng tôi, con tôi cần tôi, trong lúc ở Việt Nam tôi không còn một người thân nào nữa cả.”
Bà bảo mọi người, “thà bắn vỡ toang đầu tôi ra, nhưng đừng bắt tôi xa chồng, xa con tôi, đừng bắt tôi trở về Việt Nam.”
Năm 2004, chồng và hai người con bà Anh biết là bà có nguy cơ bị trục xuất vì nhà chức trách tịch thâu thẻ xanh của bà ngay khi bà đi Việt Nam và trở về. Bà bị xử trục xuất ngày 18 tháng Tám 2006, và đã chống án với Hội Ðồng Di Trú tại Falls Church, VA.
Luật sư Nguyễn Huy Tuấn nói hy vọng thành công rất mong manh.
Dân biểu Hubert Võ nói với người viết bài này là nên khuyến khích những người bi trục xuất dồn nhiều nỗ lực vào việc chống án vì thực hiện đủ mọi thủ tục chống án cũng giúp bà Anh kéo dài tình trạng chưa bị đưa về Việt Nam trong nhiều năm. Ông nói với truyền thông là ông đồng ý với việc trục xuất những kẻ phạm tội ác, nhưng đừng xử ức người bị trục xuất.
Bà Anh tin là bà bị xử ức.
“Ngày tôi phạm tội, tôi nghèo quá, nhưng sau đó tôi đã cố gắng sống lương thiện,” bà nghẹn ngào nói. “Xử tôi phải bỏ chồng, bỏ con, trở về Việt Nam quả là ức cho tôi.”
Luật sư Huy Tuấn nói, “Thay đổi trong luật di trú quá khe khắt, và rất ít cổi mở. Chúng ta thường nghĩ rằng nguyên nhân trục xuất là những tội nặng, nhưng không nhất thiết mọi người bị trục xuất đều phạm tội nặng.”
Luật sư Hoàng Duy Hùng, vị tân chủ tịch Cộng Ðồng người Việt Houston tỏ ý lo lắng cho số phận của những người bị trục xuất trong cuộc sống của họ tại Việt Nam sau này.
Ông cho rằng một số viên chức cộng sản vô lương tâm sẽ khai thác để làm tiền người bị trục xuất, vì biết việc họ có thân nhân đang sống tại Mỹ, do đó có nguồn tài trợ. Thảo luận về nguy cơ này ông nói khi việc làm tiền xẩy ra tại Việt Nam thì không một luật sư nào tại Mỹ có thể bênh vực cho nạn nhân được nữa.
Luật sư Hùng khuyến cáo thân nhân những người có nguy cơ sắp bị trục xuất nên kết hợp với nhau thành một hiệp hội, mỗi người chung hùn một số tiền để hội có phương tiện theo dõi cuộc sống tại Việt Nam của những người bị trục xuất, hầu có thể tìm biện pháp giúp đỡ họ trên công luận hay pháp lý.
Dân biểu Võ cũng cho là việc theo dõi như vậy là cần thiết và hữu ích, vì một hồ sơ đầy đủ về những lạm dụng, hà khắc đối với những người bị trục xuất có thể khiến bộ ngoại giao Hoa Kỳ can thiệp giúp họ.
Dĩ nhiên 1,500 người bị trục xuất có tự tay gây ra những khó khăn họ đang đối diện, nhưng không phải không có nhiều ẩn tình oan ức, như trường hợp của bà Lê Anh. Thái độ thông cảm, giúp đỡ của hai vị luật sư Hoàng Duy Hùng, Nguyễn Huy Tuấn, và của dân biểu Hubert Võ là những an ủi vô giá cho người hoạn nạn.
Xin cảm ơn quý vị đã cổi mở thảo luận với tôi về việc này.
Nguyễn Ðạt Thịnh
No comments:
Post a Comment