La Vie Des Autres - Lê Tất Đạt
XEM PHIM
The Lives of Others/ Das Leben der Anderen
Lê Tất Đạt
Giải Oscar lần thứ 79 dành cho phim ngoại quốc xuất sắc nhất năm 2006 được trao cho phim The Lives of Others (Das Leben der Anderen) của Đức do đạo diễn Florian Henckel von Donnersmarck thực hiện. Nó đánh bại bốn phim ngoại quốc kia là: After the Wedding, Đan Mạch, Indigènes, Algeria, Pan's Labyrinth, Mexico và Water, Canada. Trong năm phim đó thi hai phim: Pan’s Labyrinth và Water đã được chiếu ở Winnipeg và tôi đều xem. Cả hai đều xuất sắc, sư thể này càng làm tôi nôn nóng chờ ngày ra mắt La vie des autres.
Ra khỏi rạp một buổi chiều có nắng xuân ấm áp, nhìn bầu trời trong vắt, nhìn giòng người và xe cộ luân lưu tôi cảm thấy rủ bớt phần nào bứt rứt mà nhân vật chính đang làm vướng bận tâm tư tôi. Lâu lắm rồi tôi mới đi xem ciné ban ngày, mà lại đi một mình. Mai hiền thê sau khi đọc review tỏ ý không thích nội dung vì sợ có những cảnh bạo động. Một điều khá ngạc nhiên, dù bối cảnh là nước Đông Đức năm 1984 và câu chuyện được xây dựng chung quanh hoạt động tình báo của sở mật vụ Stasi (State Security) nhưng không có những cảnh máu đổ thịt rơi. Cũng nên biêt rằng Sở Mật Vụ Stasi có 90,000 nhân viên và 175,000 cảm tình viên dể theo dõi, báo cáo và tố giác Đời Sống Của Những Người Khác gồm 16.7 triệu người dân Đông Đức. Trong lúc đó Cơ Quan Mật Vụ Gestapo của Hitler's chỉ có 30,000 cảnh sát bí mật thôi.
Nhân vật chính là Đại uý Gerd Wiesler (Ulrich Muehe), hẳn nhiên đạt đến chức vụ này trong sở tình báo nhà nước Cộng sản Đông Đức anh phải là một đảng viên nồng cốt, được huấn luyện và hun đúc để trở thành một tấm khiên và thanh đao bảo vệ quyền lợi cũng như sự tồn vong của đảng và nhà nước đúng tinh thần phù hiệu mà họ mang trên cánh tay. Anh là một kẻ lý tưởng, tin theo tín điều. Một nhân vật như anh không dễ gì giao động hoặc mủi lòng trước những cảnh thương tâm. Ngoài là một thẩm vấn viên , anh còn dạy phương pháp thẩm vấn và khảo cung tại đại học tình báo Đông Đức. Người Cộng sản, nhất là những người ở trong guồng máy thống trị đều có một lập trường kiên định, họ được gieo rắc những giáo điều và hận thù giai cấp ăn sâu trong tâm khảm như một loại kim cương bất hoại, khó gì có thể bứng ra được.
Nhân vật thứ hai là một kịch tác gia hàng đầu ở Đông ĐứcGeorg Dreyman (Sebastian Koch), người duy nhất được nhà nước xem là kẻ không phá hoại chế độ (non-subversive), một chế độ đầy rẫy những khủng bố, áp bức, hoài nghi và hoang tưởng. Anh là con người xã hội, anh viết bài đả kích chủ nghĩa tư bản bóc lột tầng lớp lao động nhưng đồng thời cũng đả phá thẳng tay chế độ kiểm duyệt, lời nói hai lưỡi và những tin tức sai lạc của nhà nước nên anh được lòng thành phần nghệ sĩ phản động đang bị nhà nước theo giỏi cũng như được độc giả Tây phương ủng hộ.
Nhân vật thứ ba là Christa-Maria Sieland (Martina Gedeck), một nghệ sĩ sân khấu và là người tình của Georg Dreyman. Vì cô đẹp và hấp dẫn nên được một viên chức cao cấp thèm muốn. Cô có tham vọng sân khấu nên sẵn sàng dùng nhan sắt mình để tiến thân.
Nhân vật thứ tư là Bộ Trưởng Văn hoá Bruno Hempf (Thomas Thieme), một kẻ rất tục lụy, mặt trơ tráng bóng mập ú như Trư bát giái, là điển hình cho những kẻ hối mại quyền thế, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích.
Nhân vật thứ năm là Trung tá Anton Grubitz (Ulrich Tukur), thượng cấp của Đại úy Gerd Wiesler. Ông cầm đầu một cơ quan khủng bố có hệ thống và phủ chụp một màng lưới theo dõi , rình mò, nghe lóm sinh hoạt Đời Sống Của Những Kẻ Khác, những thành phần bất mãn, chống đối chế độ và tìm mọi cơ hội chụp mũ loại bỏ những kẻ mà ông cho là phản động.
Nhân vật thứ sáu là Albert Jerski (Volkmar Kleinert), bạn của Georg Dreyman, một nghệ sĩ chống chế độ, bị liệt kê vào sổ đen và bị theo dỏi từ nhiều năm qua là người sáng tác Tiểu Tấu Khúc Dương Cầm Dành Cho Thiện Nhân(Sonata For A Good Man). Tiểu tấu khúc này đánh dấu một điểm ngoặt quan trọng trong Đời Sống Của Những Kẻ Khác.
Thời điểm là 1984, đây không phải là một thời điểm tình cờ nhưng chính chủ đích người làm phim muốn liên kết với tác phẩm Nineteen Eighty Four của George Orwell (1903-1950) xuất bản năm 1949 trong đó xã hội dưới mắt Orwell chính là cái xã hội mà người làm phim mô phỏng. George Orwell kịch liệt đả kích chế độ độc tài và chủ nghĩa Staline, đã vẽ ra xã hội con người năm 1984 dưới sự thống trị độc tài của đảng và nhà nước bao gồm:
-Dùng cứu cánh biện minh cho phương tiện.
-Xâm phạm quyền riêng tư cá nhân hoặc bằng cách theo dõi, giám sát hoặc võ lực.
-Kiểm soát mọi sinh hoạt hàng ngày của dân chúng.
-Khuyến khích tù bỏ mọi ràng buộc gia đình.
-Thay thế tôn giáo cổ truyền bằng cách tôn sùng các lãnh tụ nhà nước và đảng
-Viết lại lịch sữ theo chiếu hướng có lợi cho nhà nước và đảng.
Thực ra vào năm 1940, Arthur Koestler (1905-1983), trong tác phẩm chống cộng lừng danh Darkness At Noon cũng đã nói đến sự thanh trừng xẩy ra ở Liên Ban Sô Viết trong thập niên 30. Kỹ thuật thẩm vấn bằng khủng bố tâm lý làm tàn tụy cả tinh thần lẫn thể xác đưa con người buông xuôi trước mọi phản kháng và nhận tất cả tội lỗi họ không hề vi phạm. Nhân vật Nicolas Salmanovich Rubashov sau những ngày đêm dài bị thức trắng dưới ánh đèn cực sáng và phải trả lời hằng trăm lần cùng một câu hỏi cuối cùng đã ‘ quỳ gối trước tổ quốc, trước quần chúng, trước toàn thể nhân dân…’(I bow my knees before my country, before the masses, before the whole people….) xin nhận tất cả lỗi lầm anh chưa bao giờ gây ra. Kỹ thuật thẩm vấn tù nhân của Đại uý Gerd Wiesler cũng dựa trên mô thức này, làm cho trí óc con người căn thẳng đến cực cùng vì không được ngủ và phải trả lời cùng một câu hỏi hằng chục, hằng trăm lần. Wiesler dạy cho sinh viên của anh, nếu một câu hỏi được lập lại nhiều lần mà lần nào nạn nhân cũng trả lời giống nhau tức là đương sự là một kẻ dối trá. Vì chỉ có dối trá mới chuẩn bị câu trả lời hợp nhất như vậy. Còn nếu đương sự trả lời sai thì sao? Tiền hậu bất nhất rõ ràng là đã khai man. Cách nào thì nạn nhân cũng có tội. Không nhận tội hôm này thì cũng sẽ hôm sau hay hôm sau nữa. Trong phim một nạn nhân bị thẩm vấn liên tục 50 giờ đồng hồ cuối cùng đành phải khai tên người đồng phạm. Con người chứ đâu phải cái máy mà có thể chịu đựng trò khủng bố tâm lý này.
* * *
George Dreyman, kịch tác gia hàng đầu của Đông Đức dù ủng hộ chế độ nhưng vẫn đủ can đảm và uy tín chỉ trích và gọt dũa những sai lầm của đảng nên được các thành phần ‘phản động’ khác kết thân và vị nể, một trong số đó là Albert Jerski một nhà soạn nhạc và thành phần chống đối đảng bị liệt kê vào sổ đen. Nhân tình sống chung với anh, cô Christa cũng là người mà Bộ Trưởng Bruno Hempf đeo đuổi và từng dùng quyền lực để chiếm hữu. Muốn độc quyền dành Christa riêng cho mình, ông tìm cách loại bỏ tình địch nên đã hạ lệnh cho người theo dõi George Dreyman. Được sự chỉ định của Trung tá Anton Grubitz, Đại uý Gerd Wiesler đã bí mật gắn máy tình báo trong cư gia của Dreyman và anh cùng một thuộc cấp chia nhau theo dõi con mồi ngày đêm. Khi bắt tay vào việc viên Đại úy mới vỡ lẽ ra rằng sự theo dõi này không phải vì lý do chính trị mà vì giai nhân. Anh là một người còn ấp đầy lý tưởng và vẫn ngây thơ tin tưởng mọi hy sinh , cống hiến con người đều nhằm mục đích phục vụ đảng và nhà nước để sơm đưa xã hội chủ nghĩa đến thiên đường vô sản, nơi không còn gì để cung ứng và không còn ai để cung ứng. Những bài tường trình của anh lên thượng cấp về những hoạt động hàng ngày của Georg Dreyman bắt đầu có ý che đậy và nói cho Christa biết với sắc đẹp và tài năng của cô, cô dư sức tiến thân mà không cần đến một sự bảo bọc nào. Cô Christa nghe theo, cắt đứt liên lạc với viên bộ trưởng. Cùng thời gian này, Albert Jerski, sau khi trao tặng Georg Dreyman sáng tác Sonata for a Good Man treo cổ tự tử. Khi được tin bạn hiền đã vĩnh viễn ra đi, Dreyman đem Tấu Khúc Dương Cầm Dành Cho Hiền Nhân ra dạo. Đây là mấy phút hay nhất trong phim, tiếng đàn siêu thoát tiễn đưa bạn hiền về bến bờ vĩnh c ửu. Tiếng đàn thiết tha khơi dậy thương yêu, khỏa lấp thù hằn. Tiếng đàn chập chùng gợi nhớ tình bạn thiết thân. Bên kia đầu giây, Đại úy Wiesler mang ống nghe theo dõi cũng thẫn thờ với tiếng đàn thanh thoát. Hình ảnh nào đẹp hơn hạt nước mắt lăn dài trên má người cán bộ Cộng sản trung kiên ? Anh được tôi luyện với hận thù, với giai cấp đấu tranh, với ý thức hệ cuồng điên, với ngôn từ huyễn hoặc. Anh đã được ươm trồng những hạt giống độc, theo tháng năm chất chồng, mọc rễ đâm cành che lấp hạt giống lành mà Phật giáo gọi là Phật tính, Khổng giáo gọi là tính thiện (nhân chi sơ tính bổn thiện),
v à Lão giáo gọi là nhân tính hay tính uyên nguyên mà mỗi một trong chúng ta có sẵn lúc mở mắt chào đời. Hạt giống lành vì không gặp cơ duyên và môi trường thích ứng nên đã bị đám bụi đời sống che mờ, chôn kín. Giờ đây trước cùng âm độ giao hưởng tâm hồn người cán bộ dày dạn phong sương bỗng nhũn mềm. Phải chăng âm thanh tiếng nhạc đã làm bốc hơi lòng sân hận, đã bứng được tận gốc những căm thù tưởng rắn chắc như kim cương bất hoại và cho hạt giống lành đâm chồi nẩy nở ?
Sau cái chết đớn đau của bạn, Dreyman liên kết một số thân hữu chống chế độ, viết bài bí mật gửi đăng trên tuần báo Der Spiegel ở Tây Đức, trong đó họ tố cáo sự khủng bố của nhà nước và công bố số người tự tử ở Đông Đức cao hàng thứ nhì trong khối Cộng sản chỉ sau Hung Gia Lợi. Nhà nước bỉ mặt lắm nhưng không thể truy nguồn ra thủ phạm vì loaị máy đánh chữ được dùng không nằm trong danh sách đăng ký với nhà nước. Dreyman bị nghi ngờ và cư gia bị lục soát nhưng chiếc máy đánh chữ nhỏ bằng quyển sách đã được kín đáo dấu dưới sàn nhà nên không bị phát giác.
Bị hụt mất một con mồi, lại bị Christa ruồng rẫy, ông bộ trưởng ra lệnh theo dõi nàng và kết quả nàng bị bắt bỏ tù vì tội mua thuốc an thần không có toa. Trước viễn ảnh bị tù đầy và sự nghiệp tiêu tan cùng mánh lới thẩm cung khéo léo của Wiesler, Christa đã tố cáo Dreyman chính là tác giả bài báo và chỉ nơi dấu chiếc máy đánh chữ. Cuộc lục soát thứ hai do chính Trung tá Grubitz điều động với sự hiện diện của Dreyman và Christa. Lúc Grubitz sắp nhấc tấm ván nơi dấu chiếc máy chữ thì Christa vì hối hận bỏ chạy ra đường và lao mình vào một chiếc xe đang chạy tới. Bên trong, khi tấm ván được nhấc lên, viên Trung tá và chính cà Dreyman đều sửng sờ, chỉ là một khoảng vuông trống lát gạch. Đại úy Wiesler đã nhanh tay đến trước lấy chiếc máy chữ dấu trong xe ông. Dreyman hoàn hồn đuổi theo Christa và kịp ôm thân thể Christa đẩm máu trước khi nàng nhắm mắt.
Bốn năm bẩy tháng sau, Dreyman xuất bản một quyển sách lấy tựa Sonata For A Good Man, đề tặng và tỏ lòng tri ơn mật vụ "HGW XX/7". Đó là bí danh cua Đại úy Wiesler mà tác giả đã truy cứu được từ hồ sơ lưu trử sở mật vụ Stasi. Nhờ tấu khúc dương cầm đó mà anh còn sống sót đến hôm nay. Nhờ tấu khúc dương cầm đó mà Cuộc Đời Của Những Kẻ Khác được cải thiện.
Tôi mượn lời Richard Dawkin trong tác phẩm ăn khách nhất và gây tranh luận sôi nổi nhất hiện nay THE GOD DELUSION, để chấm dứt bài viết này:
If you have Mozart to listen to, why would you need God? (page 86, Richard Dawkins, Bantam Press, Great Britain, 2006)
Lê Tất Đạt
29 tháng 4, 2007
* Dù trong phim không ghi tên tác giả Sonata For A good Man nhưng bài này do by Gabriel Yared sáng tác. Yared là một nhà viết nhạc phim tài danh và cũng là người viết nhạc cho phim The Talented Mr. Riple.
* Đạo diễn Florian Henckel von Donnersmarck cũng là người viết truyện phim năm nay 35 tuổi sinh ở Tây Đức nhưng có liên hệ họ hàng với người Đông Đức.
* Phim n ày chiếm hết mọi giải quốc tế quan trọng năm 2006.