Vượt Sóng -Miên Du Dalat (www.take2tango.com)
Hôm nay, phim “Vượt sóng - Journey from the fall” làm lễ ra mắt tại hí viện Rose Center ở Westminster. Tôi được giấy mời đi tham dự cùng với nhóm phóng viên của đài truyền Hình, trong nhóm có Đỗ Thanh là người có tiếng là một người host rất linh hoat trong những chương trình talk show.
Hôm nay Đỗ Thanh được cử đi phỏng vấn các diễn viên trong phim "Vượt Sóng", cùng đi có anh Thiện Luyện là Graphic Designer của Trung tâm Thúy Nga, và nữ ca sĩ Mỹ Thuý. Chúng tôi vội vã rời văn phòng chạy đến Rose Center cho kịp giờ, trong giấy mời để 5 giờ mà 5:30 chúng tôi mới tới nơi, nhưng may mắn chúng tôi vẫn còn là người đến sớm và có đủ thì gian để chuẩn bị máy thu hình. Trong khi Đỗ Thanh đang lo liên lạc với các tài tử để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Tôi có dịp trò chuyện với ca sĩ Mỹ Thuý và điều bất ngờ tôi gặp được một người bạn là nhà thơ Đinh Lang mà tôi hay gọi đùa là nhà thờ Đình Làng. Anh Đinh Lang cũng là dân Dalat cùng xứ sương mù với tôi, điều ngạc nhiên rất thú vị anh lại là Cha của nữ ca sĩ Diễm Liên tài tử chính trong phim "Vượt Sóng" và nghệ sĩ hài hước Thanh Hoài là Bác của ca sĩ Diễm Liên. Đúng là một gia đình có giòng máu văn nghệ, và thật xứng đáng để hãnh diện vô cùng.
Chúng tôi được mời vào hàng ghế VIP, nhưng ai cũng từ chối vì chẳng ai muốn xem phim mà bị ngồi gần màn ảnh, thôi thì tìm hàng ghế trên cao ngồi xem dễ chịu hơn. Tôi lại được dịp ngồi gần với nhà báo Phạm Phú Minh của báo Thế Kỷ 21. Chương trình bắt đầu với hai người giới thiệu chương trình là Ông Nam Lộc và cô Leyna Nguyễn. Họ mời những nhân vật đặc biệt phát biểu sau đó đạo diễn Hàm Trần chào mừng khán giả. Hàm Trần là người viết truyện phim, cũng viết chi tiết dàn dựng các cảnh (Written for the Screen) và đạo diễn (Directed and Eđite) của phim "Vượt Sóng". Hàm trần còn rất trẻ, phải nói anh là thế hệ thứ hai, năm 75 Hàm trần mới 1 tuổi, những ý niệm về chiến tranh chắc chắn anh chưa có, và kinh nghiệm về vượt biên anh cũng không trãi qua. Được biết Hàm Trần cùng nhà sản xuất phim Lâm Nguyễn đã viết cốt truyện phim và bắt đầu phác họa dàn dựng cuốn phim từ năm 2001 cho đến năm 2004 mới bắt đầu quay. Hàm Trần đã đi tìm kiếm những bậc trưởng thượng là người tù cải tạo, những người đã vượt biên để lắng nghe và trao đổi kinh nghiệm, vì chính những người này mới là nhân chứng sống của sự chiến đấu cho lý tưởng tự do của dân tộc việt Nam.
Phỏng vấn đạo diễn Hàm Trần.
Đèn tắt, trên màn ảnh một bức hình cũ một người phụ nữ và một đứa bé, dưới bức ảnh đề tựa Old Photo. Và phim tiếp tục với cảnh chạy loạn năm 75. Những hình ảnh 32 năm trước lại trở về trong ký ức của tôi và những ký ức đau thương ấy đang diễn tiến trên màn ảnh. Súng nổ, kẻ bị thương, người khóc, kẻ la, người lạc con, kẻ tìm chồng. Khóc! trên màn ảnh diễn viên khóc, bên dưới khán giả khóc... Bên phải tôi là nhà báo Phạm Phú Minh bên trái tôi là ca sĩ Mỹ Thuý. Tôi nghe tiếng sụt sịt bên trái nhiều hơn, có lẽ phụ nữ chúng tôi mau nước mắt chăng!? Tôi cố kềm hãm cho cuống họng không bật lên tiếng khóc lớn khi cô Mai (ca sĩ Diễm Liên) khóc! Diễm Liên đã đóng rất xuất sắc trong vai Mai là người vợ của Long một người lính QLVNCH. Năm 75, Long đã không chịu rời bỏ Việt Nam, chấp nhận ở lại và đã bị đày ải trong lao tù Cộng Sản. Long đã bị chết rất thê thảm trong chuyến vượt ngục.
Cảnh những người tù cải tạo trong lao dịch, cảnh tàu vượt biên gặp hải tăc Những cảnh ấy dù ít hay nhiều đều có trong một phần đời của những người dân ở Miền Nam Việt Nam. Nước mắt vẫn còn chảy, tim vẫn còn đập và dòng máu nóng vẫn còn luân lưu trong huyết quản, thì nỗi đau thương mất mát ấy vẫn chưa nguôi trong lòng người dân Miền Nam Việt Nam. Kiều Chinh trong vai Bà Nội, Mẹ chồng của Mai, đây là một tài tử gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam trước năm 75 và Bà cũng đã có mặt trong các phim của Hollywood. Một bà Mẹ bị mất con trai, chỉ còn thằng cháu Nội là thằng bé Lai là nguồn sống của Bà. Nam, người chủ tàu trong chuyến vượt biên, có lẽ nhân vật này khiến tôi cảm kích nhất. Nam diễn xuất rất tự nhiên. Theo tôi đóng vai bi thương hay vai độc dễ hơn là vai chỉ diễn tả bằng nội tâm biểu hiện qua ánh mắt và khuôn mặt, nhưng ở đây Nam đã nhập vai rất dễ dàng. Các vai phụ như Cát Ly vai Phương, bà Kim Chi vai người vợ đi thăm nuôi chồng bị tù cải tạo, Thành, người bạn tù cùng vượt ngục với Long và các vai phụ khác đều nhập vai rất là xuất sắc.
Cánh diều bay lên cao mang những ước vọng nhỏ nhoi của những con người đã trải qua những tận cùng của sự khổ đau, nhưng là niềm hy vọng của một tương lai tươi sáng...
Đèn bật sáng, tôi quay lại nhìn thấy mắt ai cũng rưng rưng. Cô bạn Mỹ Thuý nhờ tôi chùi dùm giọt lệ làm lem cả đường bút chì kẻ mắt.Tôi nhìn thấy anh bạn Cửu Lâm mắt cũng ươn ướt, như vậy đâu phải phụ nữ chúng tôi là mau nước mắt mà Vượt Sóng đã lấy nước mắt tất cả khán giả! Tôi bước ra miệng tuy cười nói, nhưng lòng thì chùng xuống, bâng khuâng, nhiều suy tư...
Vượt Sóng chỉ mới khai thác được một khía cạnh nhỏ của một trong những chuyến vượt biển thê thảm của dân miền nam mà đã làm cho khán giả nhỏ lệ như thế! Tôi trộm nghĩ nếu nhà làm phim có được tài trợ lớn như Hollywood thì Vượt Sóng sẽ hay hơn nữa khi được khai thác sâu sắc về những chuyến vượt biên khủng khiếp, kinh hoàng hơn, những cái chết thê thảm do bọn hải tặc Thái Lan gây nên. Và biết đâu ở một hoang đảo xa xôi nào đó vẫn còn những con người đã đổi cái chết để được tự do, đang sống vất vưởng dưới sự kềm kẹp của bọn hải tặc. Những người lính cầm súng bảo vệ tổ quốc của chính họ lại bị đối xử dã man trong lao tu tù mà kẻ chủ mưu lại cùng một tiếng nói, màu da, chung một giống nòi. Ngày Xưa, khi tôi đọc "Chuông Gọi hồn Ai" của Hermann Hesse, tả thảm cảnh của những người dân Do Thái cũng vượt biển. Sự đói khát đã khiến người sống phải ăn thịt người chết để được tồn tai. Thảm cảnh ấy tôi nghĩ chỉ có thấy trên màn ảnh hay trong tiểu thuyết mà tác gỉa đã tưởng tượng quá lố hay là chỉ có dân Do Thái không được may mắn mới phải chiu. Nhưng không ngờ mấy chục năm sau cảnh ấy lại phủ lên đầu người dân Việt ở miền nam. Nguyên nhân ấy từ đâu ra? hãy trả lời đi hỡi nhưng kẻ đã tự cho mình là kẻ chiến thắng là đỉnh cao của trí tuệ!
Vượt Sóng - Journey from the Fall, tôi không kể thêm chi tiết chuyện phim để mong các bạn hãy đi xem và tiếp nhận Vượt Sóng như phần ký ức của các ban. Và hãnh diện là chúng ta vẫn còn những người Việt Nam trẻ tuổi như Hàm Trần đã có tâm huyết tìm lại cội nguồn, dàn dựng cuốn phim để cho những em bé Việt Nam được sinh ra tại Mỹ hiểu được những đau thương mà cha mẹ chúng phải gánh chịu và hiểu nguyên nhân tại sao chúng có mặt trên đất Mỹ. Chúng sẽ biết quí sự vui hưởng tự do mà chúng có ngày hôm nay là do cha me chúng đã phải trả bằng máu và nước mắt. Và biết kính trọng những người lính đã hy sinh vì lý tưởng tự do. Chúng ta đừng chạy trốn mà hãy đối diện với sự thật!
Miên Du Ðàlạt
No comments:
Post a Comment